Thủ tục làm giấy khai sinh cho con lai Việt – Nhật

28/08/2023Con lai Nhật-Việt

Kết hôn với người Nhật, bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho các thủ tục hành chính nhùng nhằng liên quan đến cả bạn và con cái bạn sau này. Ở bài này, mình chia sẻ về cách đăng kí giấy khai sinh cho con được sinh ở Việt Nam có bố là người Nhật với hộ tịch ở Nhật Bản.

Các bước làm thủ thủ giấy khai sinh cho bé có cha hoặc mẹ là người Nhật.
Cha hoặc mẹ là người Nhật sinh sống và làm việc ở Việt Nam, nhưng địa chỉ thường trú vẫn ở Nhật thì quy trình làm giấy khai sinh cho con như sau:

Giấy khai sinh

Các giấy cần nộp:
– Giấy chứng sinh do bệnh viện cấp (出産証明書)
– Chứng minh nhân dân(身分証明証) của người đi làm giấy khai sinh cho bé (có thể là ông bà nội/ngoại)
– Hộ khẩu(戸籍) bản sao có công chứng (mang theo bản gốc để đối chiếu)
– Giấy chứng nhận kết hôn(結婚証明書), bản sao có công chứng (mang theo bản gốc để đối chiếu)
Ngoài 4 giấy trên do mình mang đi, nếu bạn sống ở cấp xã thì bạn sẽ được yêu cầu ra Thị xã hoặc huyện để thực hiện đăng kí giấy khai sinh cho bé, do đơn vị xã không đủ quyền về cấp giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài.

Sau khi mang 4 giấy trên ra đơn vị UBND Huyện/Thị xã thì bạn sẽ nhận được thêm một biểu mẫu về “Đơn đồng ý chọn quốc tịch cho con”(子供の国籍を選択する同意書). Chú ý rằng do con lai Việt – Nhật được mang cả 2 quốc tịch cho đến năm 22 tuổi, nên ngoài quốc tịch Nhật bạn đã nhập tịch cho bé ở Nhật thì ở Việt Nam bạn cũng phải chọn quốc tịch Việt Nam khi đang còn sinh sống ở đây cho bé. Biểu mẫu này bố hoặc mẹ là người Nhật sẽ phải đánh máy bằng tiếng Anh rồi nộp lại cho UBND Huyện/Thị xã. (tùy Huyện mà có nơi sẽ yêu cầu người nước ngoài phải ghi bằng tiếng Nhật sau đó yêu cầu công ty dịch thuật dịch sang tiếng Việt).
** Chú ý: Bằng việc bố hoặc mẹ người Nhật tạo bản cam kết chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì khi nộp cam kết này, bố hoặc mẹ người nước ngoài đó cần có mặt cùng với hộ chiếu còn hiệu lực của mình để Huyện/Thị xã đối chiếu.

Với các giấy tờ đầy đủ và giấy hẹn rõ ràng bạn sẽ nhận được giấy khai sinh cho bé sau vài ngày làm việc.

Đặt tên Việt cho con

Một vấn đề không nhỏ nữa khi làm giấy khai sinh các bạn cần lưu ý là cách đặt tên cho con. Trường hợp của mình thì bé đã có tên tiếng Nhật riêng trong hộ tịch ở Nhật. Tuy nhiên khi làm giấy khai sinh ở Việt Nam, họ của bé có thể là tên nước ngoài nhưng tên đệm và tên chính của con lai “bắt buộc phải là tiếng Việt". Tên phải là tiếng Việt cụ thể là tên tiếng Việt có dấu và nếu là chữ Hán-Việt thì phải là tên “thường dùng". Không rõ quy định chính xác trên thông tư như thế nào nhưng có trường hợp bé lai Trung-Việt được bố mẹ đặt tên là Vin, nhưng cơ quan chính quyền nói đấy không phải tiếng Việt ** và bố mẹ lại phải đặt nhại thành Vinh ***

Bản sao giấy khai sinh

Sau khi nhận được bản chính giấy khai sinh cho bé, bạn có thể xin thêm biểu mẫu “Trích lục khai sinh” để đăng kí làm bản sao giấy khai sinh cho bé.

Trong biểu mẫu này bạn cũng chỉ cần điền thông tin của bé và bố mẹ, sau đó điền thêm số lượng tờ giấy khai sinh bản sao mà bạn muốn tạo. Việc làm thêm bản sao giấy khai sinh có tốn phí nhưng rất ít.

Giấy khai sinh được cấp ở Việt Nam là căn cứ con của bạn là công dân Việt Nam. Nếu bạn muốn mang con đi du lịch ở Nhật thì bạn vẫn phải làm thêm cho bé hộ chiếu Việt Nam người lớn. Bạn có thể tham khảo cách làm hộ chiếu cho bé con lai Nhật – Việt ở bài sau. Tương tự, sau khi bạn nhập tịch cho bé ở Nhật thì bé đã mang quốc tịch Nhật và bạn cũng nên làm hộ chiếu Nhật Bản cho bé luôn để tiện đi lại giữa hai quốc gia.

Nhập tịch cho con ở Nhật Bản

Thủ tục này có lẽ bố hoặc mẹ người Nhật sẽ dễ dàng làm được theo các bước cụ thể có trên trang web của đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Để tham khảo, mình sẽ nói về các bước chồng mình đăng kí cho bé nhà mình.

Sau khi đăng kí kết hôn tại Việt Nam, chồng mình có đăng kí để chuyển tên mình dưới danh nghĩa là người phụ thuộc vào hộ tịch của riêng anh. Hộ tịch bên Nhật tương tự hộ khẩu bên Việt Nam vậy. Bạn có thể hình dung Chủ hộ là chồng và mình được đăng kí dưới tên là vợ vậy. Sau khi có tên trong hộ tịch ở Nhật thì mình chính thức có quan hệ vợ chồng hợp pháp khi ở Nhật. Sau khi sinh em bé, chồng mình có gửi giấy chứng sinh bệnh viện cấp (được chồng mình dịch qua tiếng Nhật không cần công chứng) cùng với form mẫu bên lãnh sự quán Nhật ở Hồ Chí Minh cấp (trên trang web cũng có, nên có thể download về dễ dàng).
** Chú ý: Việc nhập tịch cho bé ở Nhật cũng như làm giấy khai sinh vậy, phải làm ngay trong vòng 60 ngày sau khi bé sinh ra nên các bạn nhớ ưu tiên đưa giấy chứng sinh cho chồng nhập tịch cho con trước. Giấy chứng sinh bản chính bên lãnh sự quán chỉ dùng để đối chứng với bản dịch sang tiếng Nhật, sau đó sẽ gửi trả lại mình. Sau đó bạn hãy dùng giấy chứng sinh này để đăng kí giấy khai sinh cho con sau. Nếu làm ngược lại, giấy chứng sinh sẽ bị Huyện/Thị xã giữ luôn, không trả về và bạn sẽ không nhập tịch cho con bạn bên Nhật được.

Về các bước đăng kí hộ chiếu Nhật và Việt cho bé, các bạn tham khảo các bài sau nhé.

Good luck!