Kefir nước・ Kefir dừa – Thức uống đơn giản ai cũng làm được!

28/08/2023Thực phẩm tự nhiên

Kefir – Thức uống “kì lạ"

Có nguồn gốc rất lâu đời nhưng tới thế kỉ 21 thì thức uống này mới có mặt ở nhiều nước như Mĩ, Nhật, Châu Âu. Bản thân mình cũng biết tới nó vài năm gần đây thôi. Tuy nhiên, các bạn vegan hoặc đang tự chữa lành cơ thể chắc đã rất rành và hiểu biết về Kefir này.

Kefir là thực thể nhìn có vẻ trong suốt, chúng ăn nguồn đường lactose trong các sản phẩm chứa đường tự nhiên như nước dừa, nước mía, và “ăn" lượng lactose này trong vòng 8~12 tiếng để chuyển hóa thành một thành phẩm nước có vị chua nhẹ và với một ít ga. Tùy mức độ lên men (thời gian và lượng Kefir so với lượng nước đường nuôi) thì thành phẩm nước có thể có một ít cồn.

Thành phẩm nước Kefir sau khi lên men có rất ít đường lactose, nên nó cũng được xem là thức uống tốt cho các đối tượng ít/không có khả năng dung nạp lactose và những người có bệnh về vấn đề đường ruột.

“Khu nhà" của sấp nhỏ nuôi kefir và kombucha qua bao ngày tháng 🙂

Như sữa chua hoặc kim chi, mình đang hình dung rằng, sản phẩm lên men tự nhiên sẽ cung cấp lượng lợi khuẩn cho đường ruột. Đương nhiên là uống như thế nào, lượng bao nhiêu đều không có tiêu chuẩn, tất cả cần được rút ra từ việc cảm nhận cơ thể của chính mình và điều chỉnh cho phù hợp. Tất cả đều tùy cơ địa. Chính là vậy!

Kefir nước – Ngon và tốt

Tốt vì mình vẫn đang uống. Ngon vì mình cảm thấy ngon.! Và mình vẫn đang chia sẻ Kefir với mọi người xung quanh mình để họ cũng tự bản thân cảm nhận.

Chuẩn bị vật dụng nuôi Kefir nước

Vật dụng cần chuẩn bị rất đơn giản.

  • Hủ/chai thủy tinh sạch (để bay mùi và các vết dơ còn đọng lại trước đó, mình tráng bằng nước sôi và lau sạch để khô)
  • Kefir nước “sống" (tức là loại đã kích hoạt, không phải loại khô)
  • Miếng vải mùng hoặc một khăn xô, thứ gì có thể đậy hủ/chai thủy tinh mà vẫn có thể thông không khí nhưng vẫn không để các con côn trùng bay vào được đều ok hết.
  • Dây thun hoặc dây dùng để cột
  • Nước sạch (nên dùng nước suối đóng chai hoặc nước uống đóng thùng) – không cần qua nhiệt
  • Đường (đường mía vàng Biên Hòa, hoặc đường mật mía, đường gì mà organic hoặc không phải là đường tinh luyện là được)
  • Rây lọc bằng nhựa – Dùng để lọc kefir khi thu hoạch
  • Cuối cùng cần gì nữa?? = Cần một đôi tay sạch sẽ và một tâm ý rằng “tôi nuôi dưỡng thứ thức uống này với hy vọng nó mang lại cho tôi sức khỏe và một cơ thể lành mạnh" ! 🙂

Cách nuôi Kefir nước – Rất đơn giản

Đường cho vào nước khuấy tan. Mình không giới thiệu liều lượng cụ thể, vì tùy lượng kefir nuôi thì lượng nước đường sẽ khác. Loại đường khác nhau thì vị ngọt nó cũng khác nhau tất. Thế nên nêu từng loại đường ứng với từng lượng kefir chắc chết… Các bạn tự mình điều chỉnh cho phù hợp nhé. Mình thường nếm vị ngọt đậm là được. Tùy kết quả thu hoạch thì các lần sau lại điều chỉnh tiếp. “Trial and error" là vậy.

Cho kefir vào nước đường. Lấy khăn đậy cột dây thun lại, thế là xong. Sau đó các bạn chỉ việc ngắm chúng 🙂

Hủ thủy tinh đựng kefir nước thành phẩm. Một ngày mở nắp chắc cũng 2,3 lần để thoát hơi ga

Thu hoạch Kefir nước

Thường thì sẽ tầm 2~3 ngày mình sẽ thu hoạch. Tuy nhiên cũng tùy lượng kefir và nước đường lúc nuôi, thành phẩm sẽ lên men nhanh hơn. Vậy nên, đi ra ngắm nó chút, đi vào ngó nó xíu, tầm 8~10 tiếng xem nó có nổi khí nhiều không, ngửi xem có mùi chua chưa. Lấy muỗng nhựa/gỗ nếm vị thử. Nếu chua nhẹ và có ga là đạt. Nếu muốn chua hơn thì để lâu hơn.

Khi thu hoạch, đổ hết hủ thủy tinh đó qua rây nhựa để lọc lấy kefir.

Kefir nước ăn đường hữu cơ nên màu cũng ngả vàng, nhưng là màu vàng thật đẹp

Nước thành phẩm cho vào chai thủy tinh đậy nắp kín để bên ngoài được 1~2 tuần hoặc hơn. Tùy vào lượng lên ga của thành phẩm mà khi đậy kín nắp chai thủy tinh cần thường xuyên mở nắp để xả hơi ga dồn nén trong bình. Các bạn cứ tưởng tượng lon coca lắc mạnh rồi bật nắp nó bung trào như thế nào thì bình thủy tinh đậy kín chứa thành phẩm kefir nếu không thường xuyên (vài tiếng để vài ngày) mở nắp xả hơi ga thì nó sẽ phọt ra y chang vậy, có khi còn bể nổ chai thủy tinh nữa.

Thành phẩm nước kefir thu được bạn uống liền thì thêm đá hoặc pha loãng với nước, hoặc uống chay luôn tùy khẩu vị. Nếu thích vị trái cây thì thêm trái cây tươi vào để 1 đêm nhiệt độ phòng, kefir thành phẩm sẽ tiếp tục lên men trái cây tươi đó cho ra thành phẩm kefir mix trái cây mới với vị giống cocktail khá ngon. Loại trái cây nào thường mix thì không có cố định. Thích gì bỏ nấy, thấy không ổn thì dùng trái khác. Mình thường bỏ táo, thơm, chanh, cam, thanh long…

Kefir nước mix thơm. Hương vị và màu sắc rất chill!

Kefir dừa – Rất ngon và rất tốt

Món này cũng thật khó miêu tả hương vị… Nước dừa lên men, bạn có thể hình dung chính xác nó vậy.

Chuẩn bị vật dụng nuôi Kefir dừa

Không khác mấy với kefir nước, để nuôi kefir dừa thì thay vì cần nước và đường, thì bạn chỉ cần thay vào đó là nước dừa tươi nhé.

  • Hủ/chai thủy tinh sạch (để bay mùi và các vết dơ còn đọng lại trước đó, mình tráng bằng nước sôi và lau sạch để khô)
  • Kefir dừa – xin hay mua, bất cứ cách mà bạn có nó được trong tay 🙂
  • Miếng vải mùng hoặc một khăn xô, thứ gì có thể đậy hủ/chai thủy tinh mà vẫn có thể thông không khí nhưng vẫn không để các con côn trùng bay vào được đều ok hết.
  • Dây thun hoặc dây dùng để cột
  • Nước dừa tươi
  • Đường (đường mía vàng Biên Hòa, hoặc đường mật mía, đường gì mà organic hoặc không phải là đường tinh luyện là được) – Chỉ cần dùng một vài lần đầu.
  • Rây lọc bằng nhựa – Dùng để lọc kefir khi thu hoạch
  • Cuối cùng cần gì nữa?? = Cần điều y như khi nuôi kefir nước phía trên nha 🙂
Kefir dừa trông như thế này. Thật tinh khôi!

Cách nuôi Kefir dừa – Không thể đơn giản hơn

Đổ nước dừa (ở nhiệt độ phòng) vào hủ/chai thủy tinh. Cho thêm 1~2 muỗng đường vàng vào khuấy đều. Mục đích của việc này là để nấm kefir quen dần với môi trường mới sau khi được vận chuyển từ nơi nào đó tới với bạn. Còn nếu hàng xóm sát bên cho bạn Kefir dừa rồi thì không cần thêm đường vào đệm ngọt cũng okela luôn nhé.

Sau đó thì cho kefir dừa vào, đậy bằng vải mùng rồi cột dây thun. Thế là xong.

Thu hoạch Kefir dừa

Thời gian thu hoạch kefir dừa có ngắn hơn kefir nước theo kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, cũng tùy lượng kefir và lượng nước dừa bạn nuôi, độ đậm ngọt khác nhau sẽ dẫn đến thời gian lên men của kefir khác nhau, nên chẳng biết đường nào mà đưa cho các bạn một thời gian chính xác được.

Mình thì rất thường xuyên ngắm các bạn ấy, thỉnh thoảng lấy muỗng gỗ/nhựa sạch để nếm vị sẽ đã đúng vị mình muốn chưa. Thường sẽ là vị chua nhẹ. Không còn thấy miếng vị nước dừa nào… Thế là dừng lại và tiến hành lọc rửa y chang như kefir nước phía trên.

Kefir nước dừa sau thu hoạch cũng bỏ vào chai thủy tinh đậy kín để vào tủ lạnh uống dần. Thành phẩm này cũng y chang kefir nước tuy nhiên khi mix với trái cây để lên men nước thành phẩm tiếp, vị của sản phẩm này cũng khác hẳn với kefir nước nha. Riêng ý kiến mình thì kefir nước mix trái cây ra vị ngon và chill hơn. Tuy nhiên, về công dụng thì vẫn thấy các bạn trên thế giới nói công năng của kefir dừa hơn hẳn. Nói là vậy nhưng sản phẩm của kefir thường đã tốt cho đường ruột rồi. Thay vì khó uống mà vẫn uống thì bạn hãy tìm cho mình một hương vị hợp miệng để có thể theo đuổi một cách lâu dài nhé.

Combo kefir dừa + hạt chia + nha đam tươi

Nhân tiện thì kefir dừa cũng có ga, nên thỉnh thoảng cũng bật nắp xả hơi nhé. Mình hướng dẫn rất nhiều huynh muội về vấn đề này rồi, và hên là chưa ai gặp sự cố nổ bình thủy tinh cả.

Chúc các bạn thành công với một hủ kefir nước/kefir dừa tại nhà để lúc nào muốn là có thể triển liền nhé!

Một ly cocktail mix giữa sirup atiso đỏ và kefir dừa siêu siêu ngon nhé!