Con lai biết 4 thứ tiếng

28/08/2023tâm lý

Kết hôn với người nước ngoài thì con cái sẽ thành con lai!

Chuyện hiển nhiên là vậy!

Ai cũng khen con lai xin xắn, nhưng cũng tùy vào bố mẹ chúng như thế nào nữa. Những bé con lai có bố hoặc mẹ là người Tây thì được di truyền những điểm hình thể mà bố mẹ Việt không có như mắt to, mũi cao…

Ngoài ra thì điều đau đầu nhất mà bố mẹ của những đứa con 2 dòng máu phải suy nghĩ sau khi cho chúng chào đời đó là chúng sẽ dùng những ngôn ngữ nào để giao tiếp?!

Bản thân mình có chồng là người Nhật Bản, dù chưa có kế hoạch có con sớm, tuy nhiên cứ trằn trọc mãi chuyện cho bé nói ngôn ngữ nào chính sau này. Ai cũng bảo, mẹ là người Việt, bố là người Nhật Bản thì con cái thế nào mà chẳng nói rành rọt được cả 2 thứ tiếng đó, lợi ích và ưu thế vô cùng ..!

Điều này chỉ người trong cuộc mới hiểu. Hay chăng chồng mình cũng đã tham khảo nhiều gia đình có có lai Việt-Nhật thì biết, để chúng nói được một ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ thôi đã là vất vả lắm rồi. Ngay từ thời điểm bé còn nhỏ, việc cả bố và mẹ cùng lúc nói hai thứ tiếng khác nhau hoàn toàn đã gây cho trẻ sự “rối bời" trong chuyện tiếp thu rồi, huống chi còn tùy vào môi trường sinh sống ở đâu cũng ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng ngôn ngữ sau này của bé nữa. Cùng có chí hướng để tương lai con có thể nói thành thạo 3 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, thì một gia đình nọ cho con đi học trường quốc tế với việc giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh. Về nhà thì phân ra bố nói tiếng Nhật, mẹ nói tiếng Việt. Đến 5 tuổi, bé vẫn không nói được rành rọt một ngôn ngữ nào, và các ngôn ngữ khác còn ấp a ấp úng chẳng rõ ràng nữa. Một hệ lụy không hề nhỏ với việc định hướng và giáo dục không có kế hoạch.

Nhiều trẻ có khả năng bẩm sinh về ngoại ngữ sẵn, thì dù ba mẹ, hàng xóm hay thầy cô bạn bè có nói tiếng gì đi nữa thì bé vẫn có thể phân biệt và giao tiếp bình thường.

 

Riêng với trường hợp của mình, là người gốc Huế, mình có tham vọng con mình có thể nói được tiếng của mẹ nó là tiếng Huế, và cả tiếng Nam (nếu được **). Còn tiếng Nhật và tiếng Anh thì sẽ trông cậy vào khả năng bẩm sinh của nó thôi. Mình không muốn để xảy ra trường hợp khi con cái ở một nước, có dịp về thăm ông bà nội ngoại lại cứ ú ớ không biết nói gì. Rồi thì tình cảm gia đình sẽ mai một đi mất.

Kết hôn với người nước ngoài không hề là một thử thách đơn giản. Từ một bước ngoặc của đời mình, sau đó tính tới bước ngoặc cho cả con cái sau này nữa. Ngoài việc lựa chọn ngôn ngữ chính cho con và cả việc chọn quốc tịch không hề là một quyết định đơn giản. Nếu là con lai Việt-Nhật, thì theo luật pháp Nhật Bản (ở thời điểm này), đứa trẻ có thể mang 2 quốc tịch cùng lúc cho đến năm 20 tuổi. Sau lễ trưởng thành, thì phải chọn chính thức 1 quốc tịch. Con là người Nhật mà chọn quốc tịch Việt thì việc sinh sống ở Nhật trở nên khó khăn vô cùng với một loạt các giấy tời chứng nhận và hợp thức hóa. Con cũng là người Việt, nhưng chọn quốc tịch Nhật thì để ở lại đất nước mà mẹ con sinh ra, con phải đăng kí cả visa lẫn các giấy tờ tạm trú khác.

Để tương lai con không vì những quyết định nông nỗi ban đầu của cha mẹ mà bị lệch hướng, để cuộc sống và công việc của con sau này muôn màu muôn vẻ với sự thuận lợi về ngôn ngữ, con phải ráng thôi… tiếng Huế, tiếng Nam, tiếng Nhật và cả tiếng Anh con nhé. !!! (một sự đuối giùm nhẹ**)